Phân hữu cơ là gì? Top các loại phân hữu cơ tốt nhất cho vườn.

Phân hữu cơ là gì? Top các loại phân hữu cơ tốt nhất cho vườn.

Đối với cây trồng, phân bón là một phần quan trọng không thể thiếu cho quá trình sinh trưởng phát triển. Chúng ta nghe rất nhiều về việc sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, nhưng chính xác thì phân bón hữu cơ là gì? Và có thành phần như thế nào? Nó có lợi ích gì cho khu vườn của bạn.

1/ Phân bón hữu cơ là gì? Đặc điểm phân hữu cơ

Khác với phân vô cơ, phân hữu cơ là loại phân chứa các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng có nguồn gốc hữu cơ, được hình thành từ phân, chất thải gia súc gia cầm, phụ phế phẩm nông nghiệp, phế thải sinh hoạt, rác, phụ phẩm các nhà máy thủy hải sản,… Trong đó, thành phần chất hữu cơ phải đạt 22% trở lên và khoáng phải đạt 15% trở lên.

– Phân bón hữu cơ thông thường có thành phần và tỉ lệ dinh dưỡng không có độ ổn định cao. Đối với loại phân bón này không được sử dụng ngay mà cần qua quá trình khoáng hóa thì cây mới có thể hấp thụ được hiệu quả và an toàn. Bởi thế, việc sử dụng phân bón thông thường có kết quả chậm song giúp đất có thêm độ màu mỡ, phì nhiêu và tơi xốp lý tưởng.

Sự khác nhau của phân hữu cơ và phân hóa học

– Phân hữu cơ sau khi được xử lý rất giàu khoáng chất có ích như: axit hữu cơ, peptit, đạm, lân, kali và một số trung – vi lượng.

– Phân hữu cơ có thành phần và tỉ lệ chất dinh dưỡng không ổn định. Những chất dinh dưỡng trong phân cây không sử dụng được ngay mà phải qua quá trình khóang hóa cây mới sử dụng được. Vì vậy phân hữu cơ là lọai phân có hiệu quả chậm.
– Thông qua tác động của vi sinh vật, các loại nguyên tố dinh dưỡng được phân giải từ từ để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng xuyên suốt.

– Việc bón phân hữu cơ có thể cải thiện cấu trúc của đất, điều phối nước, phân bón, không khí và nhiệt trong đất, cải thiện độ phì nhiêu của đất và năng suất đất.

2/ Phân loại phân hữu cơ theo quy trình sản xuất

2.1 Phân hữu cơ truyền thống

Phân gia súc, gia cầm

– Đặc điểm: là chất thải của trâu, bò lợn, gà, dê, cừu,… các chất thải này được chế biến bằng phương pháp ủ truyền thống. Có chứa các chất dinh dưỡng khoáng đa trung vi lượng, cung cấp chất mùn giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất, ổn định kết cấu tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, hạn chế hạn hán, xói mòn.

– Chế biến phân chuồng: Có 3 phương pháp:

+ Ủ nóng (ủ xốp): Lấy phân ra khỏi chuồng, chất thành lớp, không được nén, tưới nước, giữ ẩm 60 – 70%, có thể trộn thêm 1% vôi bột và 1 – 2% lân super, sau đó trét bùn che phủ cho kín, hằng ngày tưới nước, thời gian ủ ngắn 30 – 40 ngày, ủ xong là sử dụng được.

+ Ủ nguội (ủ chặt): Lấy phân ra khỏi chuồng xếp thành lớp, mỗi lớp rắc khoảng (2%) lân, nén chặt: Đống phân ủ rộng khoảng 2 – 3m, cao 1,5 – 2m, trét bùn bên ngoài tránh mưa. Thời gian ủ lâu, 5 – 6 tháng.

+ Ủ nóng trước nguội sau: ủ nóng 5 – 6 ngày, khi nhiệt độ 50 – 60°c nén chặt ủ tiếp lớp khác lên trên, trét bùn kín, có thể cho thêm vào đống phân ủ các loại phân khác như phân thỏ, gà, vịt làm phân men để tăng chất lượng phân.

– Ưu điểm:

+ Chứa dinh dưỡng khoáng đa – trung – vi lượng cung cấp cho cây trồng và đất.

+ Đây là nguồn dinh dưỡng giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp, ổn định kế cấu đất tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, hạn chế xói mòn và hạn hán.

– Nhược điểm:

+ Hàm lượng dinh dưỡng thấp.

+ Nếu không xử lý đúng kỹ thuật sẽ tìm ẩn các mầm bệnh ảnh hưởng đến cây trồng và thậm chí là sức khỏe người sử dụng.

phân hữu cơ

Rác thải sinh hoạt

– Đặc điểm: Là phân hữu cơ được chế biến từ cỏ dại, rác, thân lá cây xanh, rơm rạ… ủ với một số phân men như phân chuồng, lân, vôi… đến khi mục thành phân (thành phần dinh dưỡng thấp hơn phân chuồng).

– Cách ủ: Nguyên liệu chính là phân rác 70%, cung cấp thêm đạm và kali 2%, còn lại phân men (phân chuồng, lân, vôi). Nguyên liệu được chặt ra thành đoạn ngắn 20 – 30cm xếp thành lớp, cứ 30cm rắc một lớp vôi; trét bùn; ủ khoảng 20 ngày, đảo lại rắc thêm phân men, xếp đủ cao trét bùn lại, để hở lỗ tưới nước thường xuyên; ủ khoảng 60 ngày dùng bón lót, để lâu hơn khi phân hoai có thể dùng để bón thúc

– Ưu điểm: Tăng độ tơi xốp, ổn định kết cấu đất, hạn chế xói mòn và chống hạn cho cây trồng.

– Nhược điểm: Hàm lượng dinh dưỡng thấp, cách chế biến phức tạp trong thời gian dài. Có thể mang những mầm bệnh hoặc hạt cỏ dại sẵn có trong nguồn nguyên liệu nếu không được xử lý đúng kỹ thuật.

Phân xanh

– Đặc điểm: Phân xanh là phân hữu cơ sử dụng các loại cây lá tươi bón ngay vào đất không qua quá trình ủ do đó chỉ dùng để bón lót. Cây phân xanh thường được dùng là cây họ đậu như điền thanh, muồng, keo dậu, cỏ Stylo, điên điển…

– Cách sử dụng: Vùi cây phân xanh vào đất khi cây ra hoa, bón lót lúc làm đất.

– Ưu điểm: Bảo vệ, cải tạo đất đai và hạn chế xói mòn.

– Nhược điểm: Tác dụng chậm và chỉ dùng để bón lót. Ngoài ra còn gây phát thải khí nhà kính.

Than bùn

– Đặc điểm: Than bùn không bón trực tiếp mà phải qua chế biến mới sử dụng được cho cây trồng.

– Ưu điểm: Than bùn có công dụng tốt trong việc bón cải tạo, tăng độ phì nhiêu cũng như hữu cơ cho đất.

– Nhược điểm: Hàm lượng dinh dưỡng thấp, quá trình chế biến phức tạp nên phải bón với khối lượng lớn vừa tốn công tốn sức vừa tốn chi phí.

Phân trùn quế

– Đặc điểm: Phân trùn quế là phân hữu cơ vi sinh được tạo thành từ chất thải hữu cơ (phân bò, heo, gà, rơm rạ, lá cây…) qua hệ thống tiêu hóa của con trùn và hệ vi sinh vật cộng sinh cho ra phân trùn quế

– Sử dụng: Phân bón hữu cơ vi sinh được sản xuất ở dạng bột hoặc dạng lỏng; có thể phun lên lá hoặc bón gốc.

– Ưu điểm:

Hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chứa đầy đủ dinh dưỡng đa – trung – vi lượng.

Chứa các acid hữu cơ, IAA,… giúp tăng độ màu mở, tơi xốp của đất trồng.

Chứa hệ vi sinh vật đa dạng giúp chuyển đổi các dinh dưỡng khó hấp thụ thành dạng dễ hấp thụ.

Tăng sức đề kháng cho cây trồng trước các mầm bệnh và tác nhân bất lợi của môi trường.

An toàn cho cây trồng, con người và sinh vật có ích.

2.2 Phân chế biến theo quy trình công nghiệp

Là những loại phân bón hữu cơ được chế biến từ các chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau theo quy trình công nghiệp với khối lượng lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra loại phân bón có chất lượng tốt hơn, đầy đủ dưỡng chất so với nguyên liệu đầu vào và các loại phân bón hữu cơ truyền thống.

Phân bón vi sinh

– Đặc điểm: Là chế phẩm phân bón được sản xuất bằng cách dùng các loại vi sinh vật hữu ích cấy vào môi trường là chất hữu cơ (như bột than bùn). Khi bón cho đất các chủng loại vi sinh vật sẽ phát huy vai trò của nó như phân giải chất dinh dưỡng khó tiêu thành dễ tiêu cho cây hấp thụ. hoặc hút đạm tự nhiên để bổ sung cho đất và cây.

– Các loại phân trên thị trường:

+ Phân vi sinh cố định đạm:

  • Phân vi sinh cố định đạm, sống cộng sinh với cây họ đậu: Nitragin, Rhidafo…
  • Phân vi sinh cố định đạm, sống tự do: Azotobacterin…

+ Phân vi sinh phân giải lân: Nhiều loại phân vi sinh phân giải lân khác có tính năng tác dụng giống như nhau.

+ Phân vi sinh phân giải chất xơ: Chứa các chủng vi sinh tăng cường phân giải xác, bã thực vật..

+ Ngoài ra, trên thị trường còn có những loại phân khác với tên thương phẩm khác nhau nhưng tính năng tác dụng thì cũng giống như các loại phân kể trên.

– Cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh: Thời gian sử dụng phân có hạn, tùy loại thường từ 1 – 6 tháng (chú ý xem thời hạn sử dụng). Phân vi sinh phát huy hiệu lực ở vùng đất mới, đất phèn, những vùng đất bị thoái hóa mất kết cấu do bón phân hóa học lâu ngày, vùng chưa trồng các cây có vi khuẩn cộng sinh… thì mới có hiệu quả cao.

– Nhược điểm: Chỉ phù hợp với một số loại cây trồng nhất định và cần bổ sung phân hữu cơ làm thức ăn cho vi sinh vật.

Phân bón hữu cơ sinh học

– Đặc điểm: Là loại phân có nguồn gốc hữu cơ được sản xuất bằng công nghệ sinh học (như lên men vi sinh) và phối trộn thêm một số hoạt chất khác để làm tăng độ hữu hiệu của phân, hoặc khi bón vào đất sẽ tạo môi trường cho các quá trình sinh học trong đất diễn ra thuận lợi góp phần làm tăng năng suất cây trồng.

– Sử dụng: Phân sinh hóa hữu cơ được sản xuất ở dạng bột hoặc dạng lỏng; có thể phun lên lá hoặc bón gốc. Các loại phân sinh hóa hữu cơ hiện nay được sản xuất theo hướng chuyên dùng.

– Ưu điểm:

Dùng được trong tất cả các giai đoạn của cây trồng: bón lót, bón thúc, bón nuôi hoa, quả,…

Cung cấp đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng khoáng cần thiết cho cây trồng.

Bổ sung các loại acid hữu cơ, hệ vi sinh vật đa dạng … giúp cải tạo đất.

Giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Phân bón hữu cơ vi sinh

– Đặc điểm: Là phân bón chế biến theo quy trình công nghiệp từ nhiều nguồn nguyên liệu hữu cơ khác nhau, được xử lý lên men với từ một hoặc nhiều chủng vi sinh vật có lợi, chứa các bào tử sống. Có thành phần hàm lượng các chất hữu cơ trên 15%.

– Ưu điểm:

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng khoáng, đa, trung và vi lượng cho cây trồng.

Giúp cải tạo độ phì nhiêu và tơi xốp của đất.

Cung cấp hệ vi sinh vật đa dạng giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành dạng dễ hấp thụ và tăng sức đề kháng cho cây trồng.

Không gây ô nhiễm môi trường, không độc hại với con người và sinh vật có ích.

– Nhược điểm: Chứa hàm lượng hữu cơ thấp hơn phân hữu cơ sinh học.

Phân bón hữu cơ khoáng

– Đặc điểm: Là phân bón phân hữu cơ, được phối trộn thêm các nguyên tố khoáng vô cơ gồm N,P,K. Có chứa trên 15% thành phần là các chất hữu cơ, từ 8-18%  tổng số các chất vô cơ (hóa học, N+P+K).

– Ưu điểm: Có hàm lượng các chất dinh dưỡng khoáng cao.

– Nhược điểm: Sử dụng lâu ngày sẽ không tốt cho đất.

3/ Công dụng của phân bón hữu cơ

3.1 Dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng

Phân hữu cơ chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu cơ phong phú như axit humic, vitamin, auxin, chất kháng sinh và các hợp chất phân tử nhỏ của nitơ và phốt pho hữu cơ.

Việc bón hữu cơ không chỉ làm tăng sản lượng cây trồng trong vụ hiện tại mà nhìn chung nếu sau năm vẫn thấy hiệu quả thì tác dụng của phân bón là chậm và kéo dài.  Vì vậy phân hữu cơ là loại phân bón toàn diện nhất.

Bón lót phân hữu cơ

3.2 Cải thiện tính chất lý hóa của đất và nâng cao độ phì nhiêu của đất

Phân chứa nhiều chất hữu cơ, hàm lượng chung khoảng 200g / kg. Chất hữu cơ là cơ sở vật chất quan trọng tạo nên độ phì nhiêu của đất.

Chất mùn do phân hữu cơ tạo thành thông qua quá trình mùn hóa có tác dụng cải tạo tính chất lý hóa của đất. Nó có lợi cho việc cải thiện các tính chất vật lý và hóa học của đất và cải thiện độ phì nhiêu của đất.

3.3 Thúc đẩy các hoạt động của vi sinh vật trong đất

Hệ vi sinh vật đất đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất hữu cơ và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đo mức độ phì nhiêu của đất.

Bón phân hữu cơ một mặt làm tăng số lượng và quần thể vi sinh vật có ích trong đất, mặt khác tạo điều kiện môi trường tốt cho hoạt động của vi sinh vật đất và tăng cường đáng kể hoạt động của vi sinh vật đất.

3.4 Duy trì và thúc đẩy sự cân bằng dinh dưỡng của đất

Các chất dinh dưỡng khác nhau được thực vật lấy từ đất có thể được trả lại đất dưới dạng tàn dư thực vật bằng cách bón phân.

Mức độ hoàn trả chủ yếu phụ thuộc vào việc các nguồn phân hữu cơ khác nhau có được tích lũy đầy đủ, tích lũy và bón hợp lý hay không, và tỷ lệ hoàn trả của các tàn dư cho đồng ruộng.

3.5 Giảm chi phí đầu vào phân bón

Có nguồn gốc đa dạng, giá thành phải chăng.

Bón thêm phân hữu cơ không chỉ cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng chất dinh dưỡng cho đất mà còn tăng hiệu quả phân giải phân hóa học, giảm lượng phân bón hóa học, từ đó giảm chi phí đầu vào nông nghiệp.

3.6 Không gây ô nhiễm môi trường

Các chất có gốc muối sufat, clo, nitrat… có trong phân hóa học khi kết hợp với các ion tự do trong đất sẽ tạo thành các axit làm đất bị chua, khi các chất độc này ngấm xuống nước sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.

Ngược lại phân hữu cơ làm tăng kết cấu cửa đất, giúp đất trở thành một bộ máy lọc thông minh, lọc các chất độc có trong đất, làm giảm tính độc của chúng, giúp bảo vệ môi trường, an toàn cho con người.

3.7 Nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe

Bón hữu cơ không gây tồn dư các hóa chất độc hại, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm. Từ đó tạo ra những thực phẩm sạch an toàn cho sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

4/ Top 7 loại phân bón hữu cơ phổ biến hiện nay

4.1 Phân trùn quế

Phân trùn quế (hay còn gọi là phân giun) là sản phẩm được tạo ra từ chất thải. Thức ăn chủ yếu của trùn quế là các chất hữu cơ như phân bò, phân lợn, phân gà, rác hữu cơ, v.v. Các chất hữu cơ này được xử lý qua hệ tiêu hóa của giun thành phân. Ngoài ra, phân ver compost chứa hàng nghìn kén giun nên khi ta bón phân vào đất gặp điều kiện thuận lợi kén giun sẽ nở ra và sống, hoạt tính giúp cải tạo đất.

Phân giun quế là phân hữu cơ vi sinh

4.2 Phân gà

Phân gà là loại phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng kali cao. Hầu hết tất cả các loại cây trồng đều có thể được bón bằng phân gà. Các chất dinh dưỡng trong phân gà giúp tăng sức đề kháng cho cây và giảm một số bệnh hại cây, rễ. Ngoài ra, phân gà còn giúp cải tạo đất, khử mặn, khử chua, giúp giữ ẩm. Cung cấp thành phần hữu cơ, bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, tăng độ phì nhiêu cho đất.

Mặc dù là loại phân giàu dinh dưỡng nhưng phân gà tươi có nhiều nhược điểm. Phân gà chưa qua xử lý chứa nhiều mầm bệnh, vi khuẩn có mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường, có hại cho cây trồng.

Do đó, bạn chỉ nên sử dụng sản phẩm này sau khi được đảm bảo rằng phân đã được xử lý cẩn thận và tiêu diệt hết nấm, tuyến trùng và vi sinh vật có hại. Nên sử dụng các chế phẩm sinh học (như Trichoderma) để ủ phân gà giúp khử mùi hôi, đẩy nhanh quá trình phân hủy, đồng thời ức chế và tiêu diệt các loại nấm gây hại.

4.3 Phân cá

Bên trong phân bón cá chứa khá nhiều vitamin, protein, các khoáng chất tốt cho cây và giúp cho cây phát triển và sinh trưởng tốt, nhất là các loại cây trồng ăn trái. Với phân bón cá, ngoài nhiệm vụ là cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây, thì phân bón cá còn có một số tác dụng khác như giúp cải tạo đất, giúp cho phát triển to, khỏe và đặc biệt giúp đất tơi xốp, chống khô cằn và giải độc cho đất.

Chưa hết, phân cá còn có khả năng tăng sức đề kháng cho cây, giúp giữ ẩm cho đất, kích thích sự ra hoa và phân cá làm tăng khả năng đậu trái cho cây, giúp cho trái lớn đồng đều.

Hơn nữa, khi ủ phân bón cá còn có thể tận dụng để triệt để mọi nguồn phụ phẩm từ các quá trình chế biến như đầu cá, mang cá và bao tử cá. Điều đó còn làm hạn chế các chất thải động vật ra môi trường, cho nên bạn không nên bỏ qua loại phân bón hữu cơ này nhé.

4.4 Phân đậu tương ủ phân hữu cơ

Phân hữu cơ được chế biến từ tương, bột đậu tương, bã đậu nành là nguồn đạm, vitamin hoặc là vi lượng rất tốt cho cây trồng. Tuy nhiên, với việc đất đai đang bị thoái hóa, nguyên nhân là do con người lạm dụng phân bón hóa học ngày càng nhiều. Chính vì thế mà con người sử dụng đậu tương để làm phân hữu cơ, phân chuồng là sự lựa chọn hoàn toàn hợp lý.

4.5 Phân chuối

Trong thành phần của chuối có muối khoáng như: canxi, Natri, nhiều nhất là nguồn Kali và photpho, các chất trung, vi lượng rất phong phú, có rất nhiều loại vitamin nhóm B, C, Carbohydrate, đường, protein, và một số hoocmon tự nhiên kích thích sinh trưởng rễ, thân, lá… Giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, đậm vị, lá xanh hơn, đặc biệt là cây cho hoa bền và đẹp và cây tăng khả năng chống chịu, tạo mầm hoa tốt,… Tuy nhiên vỏ chuối cần được lên men để những nguồn dinh dưỡng hữu cơ này được đẩy nhanh cung cấp cho cây hơn.

Thành phần ủ dịch chuối làm phân hữu cơ

4.6 Phân chuối trứng sữa

Phương pháp ủ phân từ chuối trứng sữa này sẽ giúp cân đối các thành phần dinh dưỡng, giúp bổ sung dưỡng chất cho cây trồng, giúp cây phát triển tốt, xanh mướt. Sản phẩm ủ phân từ chuối trứng sữa sau khi hoàn thành hoàn toàn không có mùi hôi, không có dòi rất sạch sẽ, thích hợp với các bạn sống trong khu dân cư đông đúc.

4.7 Phân bánh dầu

Dùng làm phân bón hữu cơ để giúp cho cây trồng có thể phát triển nhanh, đồng đều, an toàn và sạch, cho năng suất thu hoạch cao. Bánh dầu đậu phộng sau khi được xử lý ( ngâm hay ủ ) thì sẽ cung cấp dinh dưỡng giúp ngăn ngừa các mầm bệnh gây hại, các loại côn trùng phổ biến…Còn phương pháp bón trực tiếp sẽ gây ra nhiều mùi nồng nặc khó chịu nên bạn phải bắt buộc phun thêm thuốc trừ sâu vào nữa bởi vì mùi bánh dầu đậu phộng sẽ làm cho các con kiến hay rệp tấn công lá cây.

 

Đang xem: Phân hữu cơ là gì? Top các loại phân hữu cơ tốt nhất cho vườn.

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng