BÓN PHÂN CHO CÂY SẦU RIÊNG ĐÚNG KỸ THUẬT VÀ NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA CÂY

BÓN PHÂN CHO CÂY SẦU RIÊNG ĐÚNG KỸ THUẬT VÀ NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA CÂY

Nhu cầu dinh dưỡng của cây sầu riêng rất khác với các loại cây trồng khác, sầu riêng đặt biệt cần nhiều chất dinh dưỡng hơn tuy nhiên tùy từng giai đoạn phát triển mà nhu cầu đối với mỗi loại dinh dưỡng khác nhau và không phải lúc nào thừa cũng tốt. Để bón phân cho cây sầu riêng đúng kỹ thuật, chúng ta cần nắm vững nhu cầu cầu dinh dưỡng của cây sầu riêng theo từng giai đoạn

  1. Vai trò của các chất dinh dưỡng đối với cây sầu riêng
  • Đạm (N): Đây là thành phần quan trọng cho tất cả bộ phận của cây và đặc biệt cần thiết cho sự sinh trưởng dinh dưỡng.

Đạm cần thiết cho sự phát triển của lá, thân cành, hoa, quả, hạt. Do vậy, cần bón đạm đầy đủ cho cây sầu riêng nhưng phải đảm bảo nguyên tắc 5 đúng (đúng loại, đúng nhu cầu, đúng loại đất, đúng liều lượng và đúng phương pháp), ngoài ra còn phải đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Cây đủ đạm lá xanh tốt, cây phát triển khỏe, quả phát triển đều.

Thiếu đạm: Lá có màu xanh vàng hay xanh noãn chuối. Thiếu nặng lá rụng nhiều, năng suất giảm. Hiện tượng thiếu đạm thường xảy ra trên đất nghèo dinh dưỡng và bón không đủ lượng đạm cây cần.

Thừa đạm: Phát triển thân lá mạnh, lá có màu xanh đậm, dễ bị sâu bệnh tấn công, đậu quả ít, rụng quả nhiều, quả phát triển không bình thường như mất gai, nứt quả…

–> Bón phân cho cây sầu riêng cần chú ý vừa đủ lượng đạm cần thiết nhất là trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và kích thích ra đọt sau thu hoạch

  • Lân (P): Sầu riêng cần lân tương đối ít. Dạng lân dễ tiêu trong đất thường bị giới hạn bởi việc cố định do các phản ứng hóa học, đặc biệt là ở đất chua. Nên thường xuyên bón phân lân với lượng nhỏ. Cần bón lót phân lân trong hố trước khi trồng để giúp cây tăng trưởng trong giai đoạn ban đầu.

Thiếu lân: Lá chuyển màu xỉn, mép lá non ửng đỏ, thiếu nặng lá rụng và cành chết.

–> Bón phân cho cây sầu riêng cần đảm bảo vừa đủ lân nhất là trong giai đoạn bón lót và xử lý ra hoa

  • Kali (K): Kali rất quan trọng khi cây ra quả, lượng kali trong quả rất lớn. Bón thường xuyên phân kali rất cần thiết để duy trì năng suất cao và phẩm chất ngon cho sầu riêng. Với đất nhiều K sẽ cản trở sự hấp thu Ca và Mg. Trong trường hợp này cần bón Ca và Mg nhưng không bón K. Kali làm tăng khả năng chống chịu của cây đối với các tác động không thuận lợi từ bên ngoài và chống chịu đối với một số loại bệnh. Kali tạo cho cây cứng chắc, ít đổ ngã, tăng khả năng chịu úng, chịu hạn, chịu rét.

Thiếu K: Mép lá chuyển màu vàng cam sau tới màu xám nâu và khô, lá rụng nhiều.

–> Kali đặt biệt cần thiết cho cây sầu riêng trong giai đoạn nuôi trái và trước thu hoạch nên bón phân cho cây sầu riêng cần đảm bảo đủ kali trong giai đoạn này

  • Lưu huỳnh (S): Thiếu S, hầu hết lá trên cây chuyển sang màu vàng, xuất hiện những vết như vết bệnh trên lá già. Ở lá non, lúc đầu có màu vàng sáng sau đó chuyển sang màu vàng nhạt, tương tự triệu chứng ở lá già. Lưu huỳnh được bón thông qua phân SA (chứa khoảng 24 % S); phân Super lân (Super lân chứa khoảng 14 % S). …
  • Ngoài ra, thiếu magiê: phần thịt lá bị vàng và lan dần từ gân chính ra mép lá; thiếu canxi: lá héo vàng từ rìa lá sau lan vào gân chính; thiếu kẽm: các lá và chồi đầu cành không phát triển tốt (rụt đọt), lá không thể nở lớn.

–> ngoài các chất đa lượng nêu trên, bón phân cho cây sầu riêng cần đảm bảo đầy đủ các chất trung và vi lượng để cây sinh trưởng phát triển tốt

 

  1. Xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây sầu riêng

Các chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng giúp ổn định và tăng năng suất cho cây. Cây sầu riêng cần được cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng. Thiếu hoặc thừa một trong những yếu tố này đều ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển không bình thường của cây.

Bón phân cho cây sầu riêng cần chú ý nhu cầu dinh dưỡng của cây tăng theo tuổi cây và mức năng suất. Sầu riêng thu bói có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn cây kiến thiết cơ bản và cây trong vườn ươm. Sầu riêng kinh doanh có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn so với sầu riêng mới thu bói. Năng suất sầu riêng càng cao, càng cần phải bón nhiều phân hơn.

Sầu riêng rất cần kali nhưng không nên sử dụng kali clorua (KCl) hay Kali đỏ mà phải sử dụng Kali Sulphate (K2SO4) và trung-vi lượng (TE) vì KCl làm sầu riêng giảm mùi thơm.

Theo nghiên cứu, khi cây sầu riêng cho năng suất quả 6.720 kg đã lấy đi 18,1 kg N, 6,6 kg P2O5, 33,5 kg K2O, 5,4 kg MgO và 2,6 kg CaO.

Đối với sầu riêng tất cả các chất đa lượng và các chất vi lượng như Kẽm, Bo… đều cần thiết cho giai đoạn đậu quả và phát triển quả, trong đó, N, P là cần thiết nhất trong giai đoạn phát triển quả, K là chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn sau của sự phát triển quả cho đến khi thu họach.

  1. Lựa chọn loại phân bón

Về cơ bản, có 2 loại phân bón cho cây trồng là phân hữu cơ và phân vô cơ. Mỗi loại phân bón có ưu nhược điểm riêng. Vì vậy bón phân cho cây sầy riêng cần dựa vào đặc điểm của từng loại phân bón, độ màu mỡ của đất và nhu cầu của cây trong từng thời kỳ mà kết hợp sao cho phù hợp

a. Phân hữu cơ

Phân hữu cơ rất cần thiết cho cây sầu riêng phát triển bền vững, vì vậy khi bón phân cho cây sầu riêng cần đảm bảo đủ lượng phân hữu cơ cần thiêt. Các loại phân hữu cơ thường dùng để bón cho sầu riêng như phân gia súc, than bùn, phân ủ các dư thừa thực vật, phân xanh, phân cá…

* Ưu điểm

– Tạo chất đệm, ổn định độ chua (PH) của đất tăng hiệu quả của việc bón phân vô cơ.

– Làm đất tơi xốp, giữ ẩm tốt, tăng độ phì nhiêu.

– Tạo môi trường thuận lợi để vi sinh vật phát triển và hoạt động giúp phân giải các chất dinh dưỡng trong đất để cây dễ hấp thu, làm tăng khả năng kháng bệnh đối với cây trồng.

– Chi phí thấp.

* Hạn chế

– Hiệu quả chậm;

– Cồng kềnh, tốn công vận chuyển;

– Hàm lượng dưỡng chất thấp, không ổn định, khó kiểm soát.

Để nâng cao hàm lượng dinh dưỡng phân chuồng, nên tận dụng các dư thừa thực vật có sẳn để độn vào phân chuồng và ủ phân trước khi sử dụng.

 

b. Phân vô cơ

Đối với cây sầu riêng cần bón các loại phân vô cơ chứa đạm, lân, kali và một số phân vi lượng. Tùy theo nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi giai đoạn phát triển mà lựa chọn các loại phân vô cơ để bón cho phù hợp.

* Ưu điểm của phân vô cơ:

– Đáp ứng nhanh kịp thời nhu cầu của cây.

– Hàm lượng dinh dưỡng thường cao, ổn định và dễ kiểm soát.

– Dễ vận chuyển, dễ sử dụng.

* Hạn chế của phân vô cơ:

– Sử dụng đơn độc lâu ngày đất bị chai cứng, chua, cây hấp thụ kém.

– Hạn chế vi sinh vật phát triển.

 

  1. Lượng phân bón cho cây sầu riêng

Như đã nói ở trên, bón phân cho cây sầu riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại phân bón, độ màu mở của đất, giai đoạn phát triển của cây, khả năng hấp thụ của cây,… Tuy nhiên theo một số nghiên cứu thì liều lượng khuyến cáo như sau:

– Giai đọan cây con và những năm đầu cho quả: Bón 5 – 10kg phân gà/gốc (hoặc phân hữu cơ đã hoai mục) kết hợp với phân vô cơ theo công thức N:P:K:Mg = 18:11:5:3 hoặc: 15:15:6:4. Liều lượng và số lần bón trong năm như bảng dưới.

 

  • Giai đoạn cho quả ổn định: Đối với cây có đường kính tán 5 – 6 m đang phát triển bình thường có thể bón như sau:

Lần 1: Ngay sau khi thu hoạch xong cần tiến hành tỉa cành, bón phân hữu cơ hoai mục 20 – 30kg/cây (hoặc phân Humix, Dynamic lifter theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì) kết hợp với phân vô cơ có hàm lượng đạm cao theo công thức N:P:K:Mg (18:11:5:3) với liều lượng 2 – 3kg/cây.

Lần 2: Trước ra hoa 30 – 40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao theo công thức N:P:K:Mg (10:50:17:2) với liều lượng 2 – 3kg/cây để giúp quá trình ra hoa dễ dàng.

Lần 3: Khi quả sầu riêng lớn bằng quả chôm chôm cần bón phân có hàm lượng kali cao theo công thức N:P:K:Mg (12:12:17:2) với liều lượng 2 – 3kg/cây.

Lần 4: Trước khi quả chín 1 tháng bón 2 – 3 kg phân như NPK (16-16-8) kết hợp với 1 – 1,5kg phân K2SO4 để tăng chất lượng quả. Nên chú ý, đây là lần bón phân thứ 4 sau khi thu hoạch vụ trước và cũng là lần bón phân cuối cùng của vụ quả năm này, lần bón phân này không bón trễ hơn 1 tháng trước thu hoạch. Bởi vì bón như vậy, sẽ có nhiều nguy cơ làm giảm phẩm chất quả như cơm quả bị sượng, bị nhão. Ngoài ra, còn có thể sử dụng phân bón lá có hàm lượng kali cao để góp phần nâng cao năng suất phẩm chất quả. Có thể phun phân bón lá làm 5 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần, bắt đầu từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 9 sau khi đậu quả.

Liều lượng bón phân cho cây sầu riêng nêu trên chỉ mang tính tham khảo vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: độ phì nhiêu của đât, thói quen bón phân trước đây, khả năng hấp thụ của cây,… Chúc các bạn thành công!

#caysaurieng #bonphan #saurieng

Đang xem: BÓN PHÂN CHO CÂY SẦU RIÊNG ĐÚNG KỸ THUẬT VÀ NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA CÂY

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng